(Thethaovanhoa.vn) – Khi làn da của ông vua nhạc pop sáng màu hơn cũng là lúc âm nhạc của ông đậm tính chính trị hơn và album năm 1991 -Dangerous- với ca khúc nổi bật là Black Or White đã gói trọn khoảnh khắc cấp tiến này trong âm nhạc.
Đối với một nhân vật như Michael Jackson, một trong những nghịch lý mê hoặc nhất trong sự nghiệp của ông là: Khi ông trở nên trắng hơn cũng là lúc ông trở nên “đen” hơn. Hay nói cách khác: Khi da ông trở nên trắng hơn thì âm nhạc của ông trở nên đen hơn.
Tranh cãi về sắc tộc
Để giải thích cho điều này, chúng ta hãy trở về một bước ngoặt quan trọng vàođầu những năm 1990. Nhìn lại, nó đại diện cho thời gian đẹp nhất và tệ nhất của người nghệ sĩ tài hoa. Vào tháng 11/1991, Jackson phát hành đĩa đơn đầu tiên trong album Dangerous là Black Or White, màn hợp nhất pop-rock-rap tươi sáng, bắt tai, nhanh chóng vươn lên vị trí No.1 Billboard Hot 100 và giữ vững ngai vương trong 6 tuần tiếp theo. Đây là đĩa đơn solo thành công nhất của Jackson kể từ Beat It.
- 9 năm ngày mất Michael Jackson: Tại sao Vua pop truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ?
- Nghe ca khúc mới trong album sắp phát hành của Michael Jackson
Tuy nhiên, ồn ào xung quanh Jackson không phải về những thành tích hay âm nhạc của ông mà là về vấn đề chủng tộc. Chắc chắn, theo như các nhà phê bình, Jackson có thể hát “chẳng vấn đề gì trong chuyện bạn da trắng hay đen”, nhưng tại sao ông lại tự biến mình thành da trắng? Có phải ông đã tẩy da? Ông cảm thấy xấu hổ với màu da đen của mình? Có phải đang cố thu hút khán giả từ mọi nhân khẩu học, vượt qua mọi định danh trong nỗ lực táo bạo để đạt được thành công thương mại lớn hơn cả Thriller?
Cho tới ngày nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng Jackson đã tẩy trắng da mình để trở thành người da trắng, rằng đây là một quyết định thẩm mỹ cố ý vì ông xấu hổ với nguồn gốc của mình. Tuy nhiên, sự thật là vào giữa thập niên 1980, Jackson bị chẩn đoán mắc bệnh bạch biến, một chứng rối loạn da gây mất sắc tố ở một số vùng da trên cơ thể. Theo những người thân thiết, ông vô cùng mặc cảm vì bệnh và đã cố giấu đi bằng áo dài, mũ, găng, mặt nạ. Khi Jackson qua đời năm 2009, khám nghiệm tử thi cũng xác nhận ông mắc bệnh bạch biến.
Tuy nhiên, vào đầu thập niên 1990, công chúng vẫn còn hoài nghi về điều này. Jackson lần đầu công khai ông bị bạch biến trong buổi phỏng vấn năm 1993 với Oprah Winfrey. “Vấn đề là“da tôi bị rối loạn, phá hủy sắc tố da- ông giải thích. Tôi biết làm sao đây? Nhưng mọi người lại dựng chuyện rằng tôi không muốn là chính mình. Điều đó làm tôi rất đau khổ… Đây là chuyện mà tôi không thể kiểm soát”.
Jackson thừa nhận đã phẫu thuật thẩm mỹ nhưng cảm thấy “khủng khiếp” khi mọi người khăng khăng rằng ông không muốn là người da đen nữa. “Tôi là một người Mỹ da đen” – ông tuyên bố – “Tôi tự hào về chủng tộc của mình. Tôi tự hào về chính mình”.
Đối với Jackson, không có sự mâu thuẫn nào về di sản và bản sắc chủng tộc. Màu da có thể thay đổi nhưng chủng tộc của ông thì không. Ông thuần túy là một nghệ sĩ da đen đang phát triển ngày một mạnh mẽ. Biểu hiện đầu tiên nằm ngay trong MV Black Or White.
Cơn giận dữ của báo đen
Ra mắt đồng thời ở 27 quốc gia, MV Black Or White đã thu hút được tới 500 triệu khán giả, con số chưa MV nào từng làm được.
Trong vài phút đầu, MV Black Or White tương đối nhẹ nhàng và giống mô típ không tưởng như các ca khúc trước (Can You Feel It, We Are The World, Man In The Mirror). Jackson, trong trang phục trắng đen tương phản, đi khắp thế giới, hòa điệu mượt mà bước nhảy của ông với bất kỳ nền văn hóa nào.
Ông đóng vai trò là một pháp sư toàn cầu, biểu diễn bên người châu Phi, thổ dân Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ và Nga, dường như cố chỉ cho ông bố Mỹ da trắng đang ngồi trong ghế bành (do George Wendt đóng) về vẻ đẹp của sự khác biệt và đa dạng. Phần chính và là đỉnh cao của MV là những gương mặt tới từ nhiều chủng tộc đang vui thích được hòa vào nhau. Thông điệp đưa ra rất rõ ràng: Chúng ta đều là một phần của gia đình loài người – khác biệt nhưng liên quan – bất kể bề ngoài ra sao.
Trong thời đại ngày nay, thông điệp này vẫn rất có tính thời sự. Nhưng đó vẫn chưa phải tất cả những gì Jackson muốn nói. Ngay khi đạo diễn John Landis hô “cắt!”, khán giả có thể thấy một con báo đen lững thững đi từ trong phim trường ra ngoài hẻm. Con báo này biến thành Jackson, giải phóng cơn thịnh nộ trong những bước nhảy giận dữ, trong tiếng la hét phẫn nộ, trong những màn đập phá không kiểm soát trước khi quỳ xuống đất, xé tung áo. Đoạn phim kết thúc với Homer Simpson, một ông bố Mỹ da trắng khác, giật remote điều khiển của con trai – Bart – để tắt TV. Hành động kiểm duyệt, kỳ thị ra mặt!
Đoạn sau này được coi là động thái nghệ thuật mạo hiểm nhất trong sự nghiệp của Jackson. Mỉa mai thay, cái được gọi là “điệu nhảy báo” này đã gây ồn áo hơn mọi thứ mà Nirvana và Guns N’ Roses làm năm đó. Fox, đài Mỹ đầu tiên phát video, đã ngập trong chỉ trích. Trang nhất Entertainment Weekly miêu tả nó như là “Video ác mộng của Michael Jackson”. Dưới áp lực của dư luận, Fox và MTV đã cắt bỏ chuyến du hành của chú báo.
Tuy nhiên, giữa những tranh cãi (hầu hết phương tiện truyền thông chỉ trích đoạn này như chiêu trò quảng cáo), ít ai hỏi câu đơn giản: Đoạn video đó mang ý nghĩa gì? Giữa thời điểm các cuộc bạo loạn ở Los Angels bùng lên đòi công bằng cho Rodney King -người bị cảnh sát Los Angeles đánh đập tàn nhẫn vì lỗi lái xe.Thật điên rồ khi người ta không thể diễn giải đoạn video của Jackson. Bản thân Jackson sau đó giải thích rằng ông muốn “thực hiện một số điệu nhảy, nơi ông có thể trút nỗi thất vọng về công lý, định kiến, phân biệt chủng tộc và sự cố chấp, và trong điệu nhảy, tôi dần thất vọng và buông tay”.
MV “Black or White” với đầy đủ “điệu nhảy báo”:
Cùng với No.1 của Black Or White trên Hot 100, album Dangerous cũng ra mắt ở No.1 trên Billboard 200 khi tiếp tục là album bán chạy nhất của Jackson sau Thriller với 7 triệu bản ở Mỹ và hơn 32 triệu bản trên thế giới. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhiều người coi đây là nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của Jackson để giành ngai vàng.
Khi Nevermind của Nirvana thay thế Dangerous ở No.1 trong tuần thứ 2 của tháng 1/1992, các nhà phê bình da trắng đã sung sướng tuyên bố thời của ông vua nhạc pop đã hết. Nhưng giờ đây nhìn lại, có thể thấy, Black Or White và Dangerous không trôi đi mà là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử âm nhạc.
Giống như Nevermind, nó khảo sát bối cảnh văn hóa – và nỗi thống khổ nội tâm của nghệ sĩ – theo cách đầy thuyết phục. Có thể nói, Dangerous cũng quan trọng trong việc biến chuyển nhạc đen (R&B/new jack swing) như Nevermind làm với nhạc trắng (alternative/grunge). Âm nhạc và nghệ sĩ đương đại lại càng mắc nợ Dangerous.
Riêng về Jackson, Dangerous về sau được coi là “đỉnh cao sự nghiệp thật sự” của Jackson. Phong cách của Back Or White thì được nối tiếp đầy thanh lịch trong Jam với sự tham gia của Michael Jordan và In The Closet với Naomi Campbell. Vài năm sau, Jackson cộng tác với Spike Lee trong “loạt đạn” dữ đội nhất nhắm vào phân biệt chủng tộc là MV They Don’t Care About Us, ca khúc về sau hồi sinh mạnh mẽ như thánh ca của phong trào Black Lives Matter.
Tuy nhiên, tới nay, vẫn còn có những nhà phê bình, diễn viên hài… chọc ngoáy rằng Jackson xấu hổ với chủng tộc của mình. “Một cậu bé nghèo da đen lớn lên trở thành một phụ nữ giàu da trắng là chuyện chỉ có ở Mỹ” là câu hài châm biếm quen thuộc về Jackson. Nhưng sự thật vẫn luôn là sự thật: Dù làn da trắng hơn, tác phẩm của Jackson ở thập niên 1990 không thể tràn ngập niềm tự hào, tài năng, cảm hứng và văn hóa da đen hơn.
Thư Vĩ (Tổng hợp)