Khi thượng đế thắt lưng buộc bụng
6h sáng chủ nhật, chị Lan Hương (Hà Nội) phóng xe máy ra khỏi tầng hầm. Vài tháng trở lại đây, cứ cuối tuần là chị đến chợ đầu mối gần nhà để mua thực phẩm, chuẩn bị thức ăn cho tuần sau. Trước kia, gia đình chị thường xuyên đi ăn hàng quán vào buổi tối hoặc mua thực phẩm từ siêu thị ngay dưới chân tòa nhà. Chị Hương và gia đình đang sống tại một khu đô thị lớn.
Không chỉ cân nhắc tiết kiệm chi tiêu hàng ngay, chị Hương cũng giảm kha khá các khoản chưa cấp thiết như thời trang hay đồ điện tử. Năm nay, vợ chồng anh chị cũng không có ý định đổi điện thoại mới như vài năm trước.
Tâm lý tiêu dùng thận trọng, “thắt lưng buộc bụng” của chị Hương cũng giống không ít người trong bối cảnh nền kinh tế trải qua nhiều thách thức trong nửa đầu năm mới đây. Thực tế này cũng được phản ánh trong kết quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp tiêu dùng, bán lẻ.
Trong báo cáo lợi nhuận quý II công bố mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) thẳng thắn thừa nhận, thách thức từ điều kiện kinh tế vĩ mô tác động tiêu cực đến niềm tin của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Mặc dù tăng trưởng GDP Việt Nam quý II đạt mức 4,1%, tăng nhẹ từ mức 3,3% của quý trước đó, nhưng mức tăng này còn khiêm tốn so với mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Chính phủ đề ra cho cả năm 2023. Chính vì thế, tâm lý chung của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn thận trọng trong 6 tháng đầu năm.
Sức tiêu dùng giảm cũng được đề cập nhiều lần trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) hồi tháng 4. Lúc này, doanh thu 2 tháng đầu năm của ông lớn ngành bán lẻ ICT đã có dấu hiệu suy giảm.
CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết ngành hàng ICT sụt giảm do tình hình chung của thị trường bán lẻ Việt Nam. Ông cho rằng sức mua giảm nằm nhiều ở phân khúc tầm trung. Còn Chủ tịch hội đồng quản trị Nguyễn Đức Tài lý giải nguyên nhân kế hoạch kinh doanh năm nay của Thế giới di động chỉ đi ngang so với năm 2022.
“Sau quý IV năm vừa rồi và đặc biệt vài tháng đầu năm nay thì chúng tôi thấy tình hình rất căng thẳng, sức mua đang có vấn đề. Các bạn có thể tự trải nghiệm, chạy xe vòng vòng qua mấy con đường của thành phố này, đếm bao nhiêu cửa hàng đóng cửa, bao nhiêu nhà treo bảng cho thuê, rồi các bạn bước chân vào trung tâm thương mại để hiểu thêm về sức mua và traffic của người tiêu dùng”, ông nói.
Những kỷ lục không mong muốn
Ngay từ đầu năm, nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức đối các doanh nghiệp bán lẻ. Hồi tháng 3, Chứng khoán Vietcap giảm dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2023-2025 của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh do doanh thu thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng trong 2 tháng đầu năm.
Đơn vị này cũng tăng dự báo lỗ ròng của chuỗi Bách Hóa Xanh trong giai đoạn 2023-2024 do doanh thu trên cửa hàng thấp hơn dự kiến và lỗ ròng sau kiểm toán năm 2022 cao hơn 8% so với trước kiểm toán. Những dự báo này đã thành hiện thực khi vừa qua doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đức Tài ghi nhận mức lãi theo quý thấp kỷ lục trong lịch sử kể từ khi lên sàn. Quý II, doanh nghiệp chỉ đạt hơn 17 tỷ đồng lãi ròng.
Tương tự Thế Giới Di Động, quý vừa qua Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số – FPT Retail (mã chứng khoán: FRT) lỗ ròng kỷ lục tới 215 tỷ đồng.
Tập đoàn bán lẻ hàng tiêu dùng Masan cũng ghi nhận lãi sau thuế ở mức 429 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước bối cảnh thị trường đầy thách thức, các đại gia ngành bán lẻ buộc phải xoay chuyển chiến lược kinh doanh.
Trong cuộc họp hồi tháng 4, ông Nguyễn Đức Tài cho biết trước đây các chuỗi trong tập đoàn này không quá căn ke về chênh lệch giá với các đối thủ. Đây chính là khe hở để cho đối thủ kiếm khách hàng. Ông Tài còn cảnh báo sắp tới hiện tượng đó sẽ chấm dứt và đối thủ bán sản phẩm Apple “sẽ nghe tiếng rên xiết kéo dài”.
Từ đây, cuộc chiến về giá được châm ngòi.
Thế Giới Di Động, FPT Retail vốn là doanh nghiệp thương mại. Khi biên lãi gộp có xu hướng giảm, các đơn vị phải đưa mình vào chiến lược cạnh tranh về giá lớn, nhằm kích cầu doanh số và giành lại thị phần để cải thiện tỷ suất này.
Đối với Masan, tập đoàn này chuyển hướng chiến lược sang gia tăng thị phần tại các vùng nông thôn. Chuỗi Wincommerce thực hiện chuyển đổi 124 cửa hàng (“WinMart+”) ở khu vực nông thôn sang mô hình cửa hàng nông thôn chi phí thấp (“WinMart+ Rural”).
Theo đó, doanh thu/cửa hàng mỗi ngày tăng 30% so với hiệu suất trước khi chuyển đổi. Đơn vị này đặt mục tiêu chuyển đổi 676 cửa hàng WinMart+ và mở thêm 200 WinMart+ Rural mới trong nửa cuối năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng tại khu vực nông thôn.
Masan MEATLife cũng thực hiện chiến lược thu hẹp khoảng cách giá với chợ truyền thống, hiện ở mức 5% từ mức 11% trong quý I. Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng và doanh số bán hàng tăng lần lượt là 48% và 35% nhờ vào chiến lược quảng bá thương hiệu kết hợp cùng chương trình hội viên.
Doanh thu hàng ngày của các sản phẩm này trong chuỗi siêu thị/cửa hàng Wincommerce đã tăng 30% vào tháng 6.
Chuỗi Phúc Long Heritage của Masan tiếp tục thí điểm mô hình mới để cải thiện hiệu quả hoạt động của ki-ốt. Động thái này mang lại 8% tăng trưởng doanh thu cho các ki-ốt được thí điểm.
Le lói ánh sáng nửa cuối năm
Để hỗ trợ nền kinh tế, chính sách tiền tệ nới lỏng cùng với các chính sách tài khóa hỗ trợ (tăng đầu tư công, cắt giảm thuế VAT…) đã được Chính phủ ban hành, kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các điều kiện kinh tế được cải thiện trong nửa cuối năm.
Hồi tháng 7, Chứng khoán SSI đưa ra nhận định lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã tạo đáy trong nửa đầu năm xét về giá trị tuyệt đối. Các đơn vị đang trên đà phục hồi.
Công ty này cho rằng lạm phát có thể được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu của Chính phủ, do đó lãi suất có thể sẽ có dư địa giảm thêm. Lãi suất cho vay dự báo giảm trong nửa cuối năm sẽ giúp giảm bớt áp lực trả lãi mua nhà đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các công ty tài chính tiêu dùng đã bắt đầu giải ngân trở lại từ tháng 5. Khó khăn về nguồn vốn tại FE Credit và HD Saison đã được giải quyết, có những dấu hiệu hồi phục sớm trong hoạt động giải ngân cho vay tiêu dùng tại các cửa hàng của Thế giới di động.
Doanh nghiệp bán lẻ này được cho rằng sẽ hưởng lợi đáng kể từ sự hồi phục trong hoạt động giải ngân của các công ty tài chính tiêu dùng. Theo đó, 30-40% doanh thu ICT và CE đến từ mua hàng trả góp. Con số này ở FPT Retail vào khoảng 20%.
Đối với Masan, trong báo cáo lợi nhuận quý II, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng bày tỏ tích cực: “Tôi tin chắc rằng, những “cơn gió thuận chiều” của nửa cuối năm nay sẽ là nền tảng vững chắc, mang lại những tăng trưởng đột phá cho năm 2024″.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Thích Nhân Chuỗi – nhà sáng lập Học viện khởi nghiệp và nhân bản chuỗi bán lẻ Việt Nam – cho biết việc các doanh nghiệp đánh đổi lợi nhuận để giữ dòng tiền vận hành, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn là động thái bình thường, đúng đắn. Ông nhận định điều này có thể kéo dài đến giữa và cuối năm 2024.
Nửa cuối năm, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp lớn sẽ tùy từng đơn vị và sức mua thị trường. Điểm sáng là sức mua thị trường đang dần ấm lên do nhu cầu mua sắm cuối năm, tuy nhiên không quá khả quan so với trước. Chuyên gia này đánh giá lợi nhuận của đơn vị này sẽ tăng nhưng không tăng nhanh được.
Trước những tín hiệu lạc quan, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đứng đầu ngành bán lẻ cũng đã có sự phục hồi từ 30-50% kể từ đáy gần đây.