ILO đánh giá tác động tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng khác đối với chất lượng và khối lượng công việc của người lao động. Kết quả cho thấy, hầu hết các công việc và ngành công nghiệp chỉ ứng dụng một phần công nghệ tự động hóa.
Theo ILO, tác động lớn nhất của công nghệ AI tạo sinh “không phải là xóa sổ công việc mà có tiềm năng cải thiện chất lượng lao động, điển hình là cường độ làm việc và tính tự chủ trong công việc.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ảnh hưởng của AI đối với từng ngành nghề là khác nhau, các công việc do nữ giới đảm nhiệm sẽ chịu tác động nhiều hơn so với các công việc còn lại.
Bên cạnh đó, quốc gia có thu nhập cao chịu tác động mạnh nhất từ công nghệ tự động hóa. Cụ thể, 5,5% số việc làm ở các nước kể trên chịu ảnh hưởng từ AI tạo sinh, trong khi con số này là 0,4% ở các quốc gia có thu nhập thấp. ILO khuyến nghị các quốc gia cần xây dựng chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi “công bằng, trật tự và có tham vấn”.
Tác động của trí tuệ nhân tạo tới thị trường lao động
Như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, có thể thấy rằng, mỗi khi các cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra, luôn có các lo ngại về máy móc thay thế con người, tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, con người đang làm chủ máy móc và thông qua đó tạo ra thêm các giá trị kinh tế cho con người. Với AI nói chung và AI tạo sinh nói riêng, còn quá sớm để khẳng định cuộc cách mạng này có thay thế hay dẫn tới một kịch bản như phim Kẻ hủy diệt hay không, nhưng chắc chắn AI sẽ luôn có tác động hai mặt đến nhiều lĩnh vực, trong đó có thị trường lao động, việc làm.
Trí tuệ nhân tạo được dự đoán tạo bước nhảy vọt về năng suất lao động, cải thiện mức sống. Công ty McKinsey ước tính, AI có thể giúp tăng thêm từ 14.000 tỉ USD đến 22.000 tỉ USD giá trị hàng năm. AI thậm chí còn giúp giải phóng con người khỏi những nhiệm vụ buồn tẻ.
Trang Economics Times cho biết, AI tạo sinh đang cách mạng hóa cách chúng ta làm việc, định hình lại các ngành công nghiệp và xác định lại bản chất công việc. Với khả năng vượt trội trong việc phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, tạo ra kết quả đầu ra thông minh, AI tạo sinh đang trở thành một công cụ không thể thiếu trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Tuy nhiên, có rất nhiều lo ngại về tác động của AI, gồm cả khả năng phá hủy việc làm như từng thấy trong cuộc đình công vào tháng 7 của các diễn viên Hollywood lo sợ bị thay thế bởi bản sao do AI tạo ra.
GS. Simon Johnson – Đại học Công nghệ Massachuset, Mỹ: “AI vượt trội về mặt tác động tiềm tàng và có tác động nhanh đến đời sống con người, nhanh hơn nhiều so với một số công nghệ trước đây. Như ChatGPT sẽ ảnh hưởng đến việc làm trên toàn thế giới, và trong 5 năm tới, những tác động này sẽ khá sâu sắc ở nhiều nơi”.
PGS. Caleb Weintraub – Đại học Indiana, Mỹ: “AI có thể dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, điều này có thể làm lu mờ và dẫn đến khả năng mất đi các hoạt động truyền thống, có thể dẫn đến sự đồng nhất hóa nghệ thuật, cũng như thách thức về đạo đức và pháp lý”.
Tờ Reuter trích dẫn một khảo sát của OECD cho thấy, AI có thể mang lại lợi ích cho sự hài lòng trong công việc, sức khỏe, tiền lương nhưng cũng gây ra rủi ro về quyền riêng tư, củng cố thành kiến tại nơi làm việc và đẩy mọi người làm việc quá sức.
Viện toàn cầu McKinsey thì nhận định, AI tạo sinh đang thúc đẩy quá trình tự động hóa tăng tốc nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới nhiều loại hình nghề nghiệp khác nhau; nguy cơ nhiều nhất là với lĩnh vực hỗ trợ văn phòng, dịch vụ khách hàng và ăn uống.
Về tổng thể, các chuyên gia cho rằng, mặc dù AI có thể sẽ có tác động bất lợi đến một số loại hình công việc nhưng về lâu dài, những tiến bộ của AI có thể mang lại lợi ích cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, điều này có thể cần thời gian dài và phụ thuộc vào cách mà mọi người chia sẻ công nghệ.
Tranh thủ thời cơ từ trí tuệ nhân tạo
Trong khi trí tuệ nhân tạo, tự thân nó không tốt cũng không xấu mà tác động của trí tuệ nhân tạo phụ thuộc vào cách công nghệ được quản lý và điều tiết. Và câu chuyện là chúng ta cần làm sao để tranh thủ các lợi ích từ trí tuệ nhân tạo để phục vụ cuộc sống.
TS. Brendan Englot – Giám đốc Viện Trí tuệ nhân tạo Stevens, Viện công nghệ Stevens, Mỹ: “Chúng ta sẽ tiếp tục ngạc nhiên với những cách sáng tạo tiềm tàng mà AI mang lại cũng như những mối lo ngại tiềm năng. Nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta càng hiểu rõ về nó thì chúng ta càng có triển vọng sử dụng AI như một động lực vì một mục đích ngày càng tốt đẹp hơn”.
GS. Aniket Bera – Nhà khoa học máy tính, Đại học Purdue, Mỹ: “Điều rất quan trọng đối với ngành công nghiệp và các nhà khoa học là hợp tác và đặt ra các quy tắc cơ bản để điều hướng thế hệ robot AI tiếp theo, bởi vì hãy nghĩ đến sự hỗn loạn sẽ xảy ra nếu mỗi quốc gia có các quy tắc khác nhau. Chúng ta cần có một bộ nguyên tắc thống nhất mà tất cả chúng ta dựa vào để tất cả các cơ quan có thể làm việc cùng nhau”.
Sẽ cần một thời gian nữa để nghiên cứu và hiểu rõ các tác động của trí tuệ nhân tạo đến đời sống của con người, nhưng có thể khẳng định rằng chính con người mới là nhân tố đứng sau, có tác động quyết định đến quá trình chuyển đổi công nghệ và cũng chính con người cần đóng vai trò hướng dẫn quá trình chuyển đổi công nghệ này hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!