Độc đáo di sản hỗn hợp
Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 12.252ha, gồm 3 khu bảo tồn: Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Khu rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, trong đó vùng đệm có diện tích 6.026ha. Vào năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An chính là di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất của khu vực Đông Nam Á được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới bởi đáp ứng được tiêu chí V về văn hóa và hai tiêu chí VII, VIII về thiên nhiên là vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo.
Nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, Khu du lịch sinh thái Tràng An được biết đến với hệ thống núi đá vôi địa hình karst đặc trưng cùng hệ sinh thái rừng, hang động, đầm lầy vô cùng phong phú. Với lịch sử hình thành hàng trăm triệu năm, trải qua quá trình biến đổi về địa chất của trái đất, khí hậu cũng như sự tiến, thoái của biển, Tràng An sở hữu 31 hồ đầm được nối thông bởi 48 hang động. Hệ thống hang động này đã làm nên sự độc đáo cho Khu du lịch sinh thái Tràng An với những chặng khám phá bằng thuyền trên một cung đường mà họ không phải quay lại như những nơi khác. Tràng An cũng có hệ sinh thái thủy vực đa dạng với nhiều loài động, thực vật dưới nước quý hiếm, trong đó có thể kể tới hàng nghìn loại rong, rêu được các nhà khoa học đánh giá như “cánh rừng nguyên sinh” dưới nước. Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và sự đa dạng sinh học đã tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm có cho Tràng An.
Cùng với lịch sử hình thành của thiên nhiên, Tràng An còn được biết đến như “cái nôi” tiến hóa của người Tràng An cổ. Các đợt khai quật khảo cổ học gợi ý rằng cộng đồng cư dân tiền sử đã định cư trong các hang động, mái đá ở vùng lõi Tràng An từ hàng vạn năm trước. Họ là những người tiếp cận và khai thác biển đầu tiên ở Việt Nam, sáng tạo ra tổ hợp công cụ lao động bằng đá vôi, duy trì kỹ nghệ ghè đẽo, làm đồ gốm và trồng trọt trong thung lũng đầm lầy… Đó là nét độc đáo làm nên giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu của di sản này. Ngoài ra, Tràng An còn gắn liền với các di tích như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, đền Trần, phủ Khống, hành cung Vũ Lâm, đền Cao Sơn… để tạo thành những hành trình tham quan hấp dẫn cho du khách. Ông Nguyễn Văn Thắng, một du khách ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Mặc dù đã đi nhiều nơi, nhưng quần thể danh thắng Tràng An để lại cho tôi những ấn tượng bất ngờ, thú vị bởi sự hòa quyện giữa thiên nhiên, con người và hệ thống di tích nơi đây”.
Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn di sản
Những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trong đó Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An là điểm nhấn chủ đạo. Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, năm 2019, tỉnh đã đón 7,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 910.000 lượt, doanh thu đạt khoảng 3.600 tỷ đồng. Nhận thức sâu sắc về giá trị và tiềm năng phát triển du lịch của những di sản hiện có, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động nhằm đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Song song với đó là định hướng phát triển du lịch bền vững, chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái, văn hóa để làm sản phẩm đặc thù, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Với định hướng phát triển du lịch bền vững, Ninh Bình luôn quan tâm đến sự gắn kết của người dân, đặc biệt là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giữ gìn cảnh quan, tạo sinh kế cho người dân ở vùng lõi của di sản bởi chính họ là những người bảo vệ môi trường tốt nhất. Chị Trần Thị Hoa (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), một lái đò ở bến Tràng An chia sẻ: “Hằng năm, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn của huyện, tỉnh về du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường. Chúng tôi hiểu rằng, nếu như mỗi người đều có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường thì sẽ góp phần tạo nên cảnh quan đẹp, qua đó thu hút du khách nhiều hơn. Vì vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở du khách thực hiện các quy định về an ninh, an toàn đường thủy, không vứt rác bừa bãi. Hằng ngày, chúng tôi thay phiên nhau vớt rác, quét dọn để bảo vệ môi trường. Đó cũng là cách để chúng tôi có công việc ổn định, lâu dài”.
Bên cạnh việc nêu cao vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản, Ninh Bình cũng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng điểm đến gắn với đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tỉnh đã liên kết với thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… để khai thác và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh mà điển hình là việc xây dựng “Hành trình con đường di sản” kết nối các điểm đến: Quần thể danh thắng Tràng An – cố đô Hoa Lư – động Am Tiên – Khu tâm linh núi chùa Bái Đính – Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) – Khu du lịch quốc gia Tam Chúc (Hà Nam) – chùa Hương và Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Với chiều dài gần 100km, “Hành trình con đường di sản” sẽ là chuỗi du lịch kết nối các miền di sản hiệu quả, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Tới đây, Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thân thiện, an toàn và mến khách tới du khách trong nước và quốc tế. Ninh Bình cũng kỳ vọng, với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, tỉnh sẽ sớm khẳng định vị thế là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh lớn nhất miền Bắc và là một “dấu chấm xanh” trên bản đồ du lịch thế giới trong những năm tới.