Chứng khoán Mỹ “nhuộm” màu đỏ trong phiên giao dịch 3/10 sau khi lợi suất chính phủ Mỹ thiết lập đỉnh mới từ năm 2007 trước quan ngại lãi suất tiếp tục tăng thời gian tới.
Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 430,97 điểm, tương đương 1,29%, xuống 33.002,38 điểm, phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Chỉ số S&P 500 giảm 1,37% xuống 4.229,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,87% còn 13.059,47 điểm.
Với diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch thứ hai của tháng 10, chỉ số Dow Jones rơi vào vùng giảm điểm kể từ đầu năm với mức giảm 0,4%. Ở chiều ngược lại, chỉ số S&P 500 vẫn duy trì được mức tăng 10% kể từ khi bước sang năm mới.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên ngưỡng 4,8%, cao nhất trong 16 năm trở lại đây. Chỉ số này liên tục đi lên thời gian gần đây sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) cho biết có thể tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới và sẽ không sớm cắt giảm. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng chạm ngưỡng 4,925%, cao nhất kể từ năm 2007.
Diễn biến của cổ phiếu diễn biến ngược dòng lợi suất trái phiếu trong toàn bộ phiên giao dịch. Đà giảm càng mạnh mỗi khi lợi suất đi lên. Góp phần giúp lợi suất trái phiếu đạt đỉnh mới, số lượng việc làm mở mới trong tháng 9 đạt 9,6 triệu đơn vị, cao hơn dự báo của giới chuyên gia đồng thời phản ánh sức nóng của thị trường lao động. Thị trường lao động mạnh là động cơ khiến Fed có thể phải tiếp tục lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nỗi sợ của nhà đầu tư lan rộng trên toàn thị trường với chỉ số Cboe Volatility Index “nhảy” lên ngưỡng cao nhất kể từ tháng 5. Số điểm càng cao đồng nghĩa với rủi ro biến động thị trường lớn trong thời gian tới.
Trên thị trường năng lượng quốc tế, giá dầu phục hồi từ đáy ba tuần.
Cụ thể, giá dầu Brent tương lai tăng 0,21 USD lên 90,92 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,41 USD lên 89,23 USD/thùng.
Giá dầu nối dài đà giảm trong đầu phiên sau khi đồng USD tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt khác trước báo cáo việc làm mạnh hơn dự báo.
Tuy nhiên, giá dầu hồi phục sau đó khi nhà đầu tư chờ đợi những cập nhật mới nhất tới từ phiên họp của OPEC+ với kỳ vọng tổ chức này sẽ giữ vững kế hoạch sản lượng, khiến cho nguồn cung dầu trên thị trường tiếp tục hạn chế.
Saudi Arab được dự báo nâng mức bán giá dầu nhẹ Arab trong tháng 11 cho các khách hàng châu Á trong tháng thứ năm liên tiếp, theo kết quả khảo sát của Reuters.
Trong khi đó, Nga không công bố thời gian lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu hết hiệu lực. Tờ Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, lệnh cấm trên sẽ được duy trì cho tới khi nào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước được cải thiện và giá cả ổn định trở lại.
Nguồn: Tổng hợp