Tối chủ nhật, phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 đông dần. Hàng trăm người tản bộ, lướt qua nhau. Khi tiếng nhạc từ chiếc loa kéo của nhóm GoodmorningVietnam (GMV) vang lên, tất cả đều hướng về những vũ công trẻ tuổi đang đứng ở góc đường.
Nhóm nhảy hôm nay có 6 thành viên tham gia, mọi người hoạt náo bằng một màn giới thiệu hài hước, ấn tượng.
Từ đường phố đến đấu trường quốc tế
Đầu tiên là vũ công Yohan Kim Long Ly, 39 tuổi. Trưởng nhóm người Pháp gốc Việt có thân hình cao lớn nhất, đảm nhiệm việc đỡ cho một thành viên khác trồng cây chuối trên người mình. Tiếp đến là Nguyễn Ngọc, 26 tuổi, nổi tiếng trong cộng đồng vũ công với cái tên Mini Phantom.
Anh nhỏ con nhất nhưng có những màn nhào lộn khiến khán giả phải trầm trồ. Đến lượt Huỳnh Như với cái tên thường gọi là Shun – thành viên nữ duy nhất trong nhóm vừa tròn 24 tuổi. Cô có màn nhảy hiphop dựa trên nền bài hát Diễm xưa rất độc đáo.
Sau khi từng thành viên trong nhóm lần lượt phô diễn những kỹ năng tốt nhất của mình, Huỳnh Như cầm micro nói lời cám ơn khán giả đã nán lại xem biểu diễn.
Cô gái cũng tự giới thiệu về mình: “Em tham gia nhóm từ năm 2018. Năm ngoái, em đã chiến thắng ở cuộc thi Việt Nam Breaking Championship. Năm nay, em sẽ đại diện nước nhà tham dự Asia game ở Trung Quốc.
Em chọn công việc này như là một nghề của mình. Nếu các anh chị, cô bác thấy thích thì hãy ủng hộ để tụi em được duy trì đam mê và cuộc sống của bản thân”.
Nói xong, một thành viên khác cầm chiếc thùng giấy đặt giữa phố để khán giả có thể thưởng cho phần biểu diễn. Sau đó, vũ công Mini Phantom thông báo show diễn chính thức bắt đầu: “Xin mời mọi người cùng thưởng thức show diễn của tụi em.
Đây là một show diễn đường phố hoàn toàn miễn phí, các anh chị có thể ủng hộ hoặc nếu không cũng không sao. Hãy ở lại, nở nụ cười và xem tụi em nhảy nhé”.
Show diễn kết thúc sau khoảng 30 phút. Cả nhóm cúi đầu cám ơn khán giả. Sau đó, họ ngồi cạnh nhau nghỉ ngơi lấy sức trước khi di chuyển đến một điểm khác gần đó để tổ chức show mới, phục vụ những khán giả mới. Thường mỗi đêm, nhóm diễn khoảng 4 – 5 show ở những điểm khác nhau trên phố đi bộ.
Nhóm nhảy được thành lập từ 10 năm trước, do Yohan Kim Long Ly, một vũ công hiphop làm trưởng nhóm. Lúc bấy giờ, Ly trăn trở khi thấy Việt Nam có rất nhiều vũ công hiphop giỏi nhưng chưa có một sân chơi chung.
Trong khi, nhiều người còn cho rằng những người nhảy đều thích tụ tập ăn chơi, không xem đây là một bộ môn nghệ thuật hay là một nghề kiếm tiền như ở nước ngoài. Vì thế, anh muốn tìm kiếm những người giỏi lập thành một nhóm để cùng phát triển hiphop, không chỉ trong nước, anh còn dẫn mọi người tham dự các cuộc thi lớn nhỏ ở Singapore, Thái Lan, Pháp…
“Tôi chọn hình thức tiếp cận khán giả và trau dồi kỹ năng thông qua việc biểu diễn đường phố. Ở Pháp, hình thức này phố biến nhưng ở Việt Nam thời điểm nhóm ra đời thì chưa có ai làm cả. Tôi muốn đem hiphop Việt Nam đi xa hơn”, trưởng nhóm Ly tâm sự.
Những street show đầu tiên ở phố đi bộ bắt đầu từ năm 2015. Đến năm 2016, Nguyễn Ngọc mới có dịp được tham gia nhóm khi vừa từ quê Bến Tre lên Sài Gòn học đại học ngành dược. Dù đã có 8 năm học nhảy ở quê nhưng Ngọc vẫn chưa được là thành viên chính thức của nhóm, mà chỉ tham gia để học hỏi.
Lúc này, trưởng nhóm Ly thường cho mọi người tập luyện rồi cùng trải qua một vòng casting nội bộ để chọn ra 6 người giỏi nhất đại diện nhóm cùng anh sang Pháp thi đấu và dự Festival Hiphop.
“Bất cứ ai tham gia GMV đều mong muốn được chọn để sang Pháp và em cũng vậy. Vì thế, việc tập luyện là không ngừng nghỉ”, Ngọc cho biết.
Với chiều cao chỉ 1m50, chàng trai biến đó thành lợi thế của mình trong những động tác phối hợp để đồng đội quăng người, hay nhào lộn nhiều vòng khiến ai cũng phải thán phục.
Đến năm 2018, Ngọc lần đầu tiên được sang Pháp sau khi đã cùng nhóm tham gia một vài cuộc thi ở Thái Lan, Singapore. Ở đây, chàng trai cùng đồng đội học tập được nhiều điều mới mẻ, từ việc kết hợp những câu nói “trendy” vào bài nhạc tạo không khí vui nhộn và cập nhật, học hỏi thêm những động tác mới.
“Nhiều người nghĩ vũ công hiphop thường chỉ làm được những động tác khô cứng nhưng nhóm tụi em sáng tạo thêm nhiều bài diễn có cảm xúc, phối hợp với những động tác mềm mại”, Nguyễn Ngọc nói.
Hiphop có phải là một nghề?
Ban đầu, khi theo trưởng nhóm Ly ra phố đi bộ làm street show, Ngọc không nghĩ việc biểu diễn này sẽ khiến mọi người tự nguyện bỏ tiền ủng hộ. Chàng trai còn nghĩ rằng nếu chỉ dựa vào nguồn thu như vậy, làm sao nuôi được đam mê hiphop cho những vũ công.
Nhưng Ngọc đã nhầm, sau những màn biểu diễn tâm huyết, mồ hôi của đồng đội, có đến hơn một nửa khán giả hôm đó đã bỏ tiền vào thùng. Từ đó anh nghĩ: “Chỉ cần cả nhóm cố gắng diễn tốt, khi tạo cho mọi người niềm vui, ắt hẳn mọi người sẽ thay đổi suy nghĩ”.
Sau khi ra trường, thay vì phấn đấu để trở thành một bác sĩ thì Ngọc lại xin cha mẹ cho mình 5 năm để phát triển sự nghiệp nhảy.
Vốn là những vũ công thời trẻ nhưng vì gánh nặng mưu sinh, cha mẹ Ngọc phải đổi nghề khác nên thấu hiểu được mong muốn của con nên đồng ý.
“Con hãy thay cha thực hiện ước mơ mà cha chưa làm được”, người cha của Ngọc nói. Vậy là chàng trai phải đi làm thêm công việc giao hàng để có tiền nuôi sống bản thân. Số tiền kiếm được từ việc làm street show cả nhóm sẽ để dành cho những chuyến đi Pháp của mình hằng năm.
Dù chưa từng có ý định bỏ nghiệp nhảy, nhưng lần mẹ Ngọc bị tai nạn thập tử nhất sinh năm 2019 khiến anh có chút nản lòng.
Cầm trong tay 40 triệu đồng – tất cả những gì Ngọc có sau 5 năm ở Sài Gòn, theo nghiệp nhảy. Tiền nằm viện mỗi ngày gần chục triệu đồng, Ngọc không thể lo cho mẹ và cũng chẳng thể hỏi mượn ai vì biết các vũ công khác cũng khó khăn như mình. “Tại sao mình không trở thành một bác sĩ để có thể kiếm được nhiều tiền hơn, có thể lo cho mẹ lúc hoạn nạn?”, Ngọc tâm sự.
Thế nhưng, 2 hôm sau, cộng đồng vũ công trên khắp cả nước đã âm thầm gom góp ủng hộ cho mẹ của Ngọc hàng trăm triệu đồng, giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Hiện tại, mẹ anh đã khỏe lại và tiếp tục theo đuổi sở thích nhảy, khiêu vũ cùng bạn bè.
“Cộng đồng vũ công cũng có rất nhiều người tốt. Hiphop đã mang lại cho mình rất nhiều sự trưởng thành, mối quan hệ và cả những ân tình. Miễn mình đừng bỏ cuộc và cứ sống tốt thì chắc chắn bạn sẽ được nhận lại”, Ngọc nói.
Cũng giống anh, cô gái Huỳnh Như dù chỉ mới tham gia nhóm từ năm 2018 nhưng đã gặt hái nhiều thành quả trong nghề. Ngoài việc được đại diện cho Việt Nam sang Trung Quốc thi đấu vào năm tới thì cô gái cũng đã thảo ước mơ được đến Pháp biểu diễn.
“Mỗi năm tụi em được sang Pháp 3 tháng, từ tháng 7 đến tháng 9. Ngoài việc được cấp phép biểu diễn ở đường phố bọn em còn được đến các khu vui chơi, công viện để dạy nhảy cho trẻ em, và cùng nhau thi đấu với các vũ công quốc tế”, Như chia sẻ.
Những năm gần đây, những vũ công hiphop như nhóm GMV đã chứng tỏ được sự phát triển của mình. Những màn biểu diễn, cách họ giao lưu tiếp xúc với khán giả trên đường phố đã giúp hiphop đến gần với người dân hơn.
“Nếu không tình cơ xem được một vài chương trình về nhảy hiphop trên tivi thì tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi xem một buổi biểu diễn trực tiếp như thế này. Không phải bỏ một số tiền quá lớn để được tham dự, tôi có thể xem các em biểu diễn ngay trên đường như thế này, thật sự rất thú vị”, bà Nguyễn Tuyết, 53 tuổi, một người dạo bộ trên đường Nguyễn Huệ đêm 27/11 chia sẻ.
Nhìn những thành viên trong nhóm trưởng thành, nhìn lượng khán giả mỗi lúc một đông hơn. Trưởng nhóm Ly chia sẻ: “Thật sự tôi rất vui vì những gì bản thân và cả nhóm đã cố gắng. Hiphop Việt Nam sẽ còn phát triển xa hơn nữa, nếu có những người trẻ biết lao động một cách nghiêm túc”.