Cuộc trò chuyện này diễn ra tại trang trại của ông ở M’Drak, tỉnh Đắk Lắk. Trong suốt câu chuyện, ông dùng đại từ nhân xưng “Qua”, gọi người đối diện là “người anh em”, chúng tôi xin phép được giữ nguyên văn cách xưng hô của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ở Thượng Hải (Trung Quốc) có một quán cà phê Trung Nguyên, nói cho đúng trend là “không thể không đến khi tới Thượng Hải”. Rất đông khách! Nhưng doanh thu liệu có ổn không hay chỉ để làm thương hiệu, thưa ông?
– Có lời rồi, dù đầu tư nhiều đấy. Nhưng đó chỉ mới có một phần thôi. Trung Nguyên đang chuẩn bị mở ở Mỹ, Hàn Quốc, cả Dubai và các nước Đông Nam Á nữa.
Trung Nguyên sẽ mở thành chuỗi trên thế giới. Hiện ở Trung Quốc, Trung Nguyên đang thiết kế chương trình đào tạo, định vị tầm nhìn của mình. Cái đó đòi hỏi rất công phu. Bởi chuẩn hoá về mặt kỹ thuật thì dễ, chuẩn hóa về triết lý thì khó.
Cách Trung Nguyên mở một hướng đi như vậy có phải là hướng đi ra để “làm chủ thế giới không”, thưa ông?
– Tôi dặn nhân viên, cách bán từng gói cà phê thông thường như các em (nhân viên – tác giả) tư duy thì không bao giờ vượt qua các tập đoàn hiện hữu. Nhưng bán qua hệ sinh thái trên quan điểm tỉnh thức thì khác nhau. Tức là đưa cả ý thức, triết lý vào trong gói cà phê và phối hợp với những nhà cung cấp hàng đầu mà mình đã định và đã chọn; cung cấp từng gói tới từng hộ gia đình. Ai ai cũng cần hết, khác nhau ở chỗ đó. Gói cà phê thức tỉnh đó phải có vị trí trong thư viện của một gia đình, là tủ sách, là ánh sáng. Cái này nhiều gia đình chưa có (tủ sách – tác giả).
Trong lĩnh vực cà phê, ông nghĩ ai là đối thủ?
– Qua không nghĩ ai là đối thủ cả. Về tư tưởng, hiện nay Trung Nguyên là duy nhất khi hàm súc trong nó 3 nền văn minh cà phê: Ý, Ottoman – Roman và phương Đông là Thiền. Trung Nguyên sẽ bám theo đó để làm, không lan man. Phải làm thật ngon, tuyệt hảo về chất, tuyệt mỹ về cách trình bày.
Còn bây giờ, có thể nói chỉ mới bắt đầu làm, mạnh dạn làm nhưng đừng bao giờ làm xong rồi coi như xong. Phải liên tục, liên tục, không hài lòng với cái mình đang có. Làm cho tới tuyệt hảo, tuyệt mỹ. Nếu không như vậy thì chỉ là những người buôn bán tầm thường.
E-coffee “Cà phê năng lượng” của Trung Nguyên cũng là một sản phẩm bình dân, bình thường và khá thu hút, đâu phải là cao siêu?
– E-coffee nếu biết phát triển sẽ là thống trị trong nước, phổ quát. Còn Legend coffee là những điểm then chốt, làm thật lớn, ở trung tâm.
Muốn đóng góp vào nền văn minh cà phê nhân loại thì phải nâng cấp nền văn hoá cà phê nước nhà, không thể quán cóc vỉa hè, quần đùi lê la. Muốn vậy, phải tập hợp hàng trăm ngàn tiệm nhỏ đó, có chương trình đào tạo, đem lại cái lợi về kinh tế nhiều nhất nhưng phải nâng cấp các quán cà phê đó. Như vậy nền văn hoá mới khác đi, tiến lên. Dĩ nhiên lê la vỉa hè cũng có cái khác biệt.
Ông ngồi ở đây, thường ở trong cái hang trên núi này, vậy ông điều hành Trung Nguyên như thế nào?
– Qua ít nói lắm, không bao giờ họp hành. Có khi vài ba tháng không tới trụ sở. Cần gì thì Qua chỉ viết tin nhắn thôi. Chỉ qua tin nhắn là hiểu thành hệ thống vì Qua đã chuẩn bị tài liệu hết rồi. Nếu không thì Qua đâu có yên mà ngồi trên núi này.
Chỉ một tin nhắn thôi sao, thưa ông?
– Qua có một tổ trợ lý. Từ tin nhắn đó, cô trợ lý sẽ biết phân bổ đến nhóm trợ lý, truyền đạt ý này đến Ban giám đốc, tùy việc mà phân ra. Nếu có những lệch lạc thì Qua bảo các em tự điều chỉnh, tự giải quyết.
Qua muốn mọi người phải tự do, tự giải quyết với nhau, những chuyện vặt vãnh mà lên tới Qua là không được. Duyệt hồ sơ mỗi ngày Qua cần chừng 5 phút, sau đó việc tự chạy. Trụ sở ở Sài Gòn lâu lắm Qua mới ghé lại, vài ba tháng, triệu tập nói chuyện chừng tiếng đồng hồ, không nói nhiều.
Qua tin các em và nếu công việc không tốt thì phải chịu trách nhiệm. Luật nhân quả nó điều chỉnh hết, ai làm gì đều phải chịu.
Nhiều doanh nhân thành đạt, giàu có bỗng nhiên chuyển hướng, sống kiểu đạo pháp, còn ông cũng đang biến cà phê thành một triết đạo. Có điều gì đó khác thường ở đây không?
– Qua không muốn so sánh với ai hết cả. Qua không muốn hiển thị cái gì vượt quá sự hiểu biết của người anh chị em ở thế gian này.
Như trong giới bất động sản, nhiều người hiểu rủi ro của nó nhưng họ muốn làm gì đó, nhân danh điều lớn lao nhưng xiển dương (làm sáng tỏ- tác giả) cái tôi phàm tục. Qua không có cái thú đó. Tới một lúc nào đó tiền không có ý nghĩa gì hết. Để làm gì đâu? Không làm gì cả. Cuộc đời một người, nếu đóng góp được cà phê triết đạo, lan toả khắp thế giới, thì đóng góp vậy cũng là nhiều rồi!
Ông chủ yếu ở trên núi nhưng lại có rất nhiều xe sang, đều dán chữ UN. Ông có sử dụng hết không?
– Có những xe Qua bỏ tới 7-8 năm, Qua cho anh em bảo dưỡng. Xe biết mua để làm gì không? Người anh em không bao giờ hiểu hết…
Để làm truyền thông à, thưa ông?
– Không, không phải. Nó sâu xa hơn. Nó là tiêu sản chứ không phải là tài sản. Qua là người kinh doanh, phải biết nó là tiêu sản. Nội chuyện bảo trì bảo dưỡng nó thôi cũng tốn biết là bao nhiêu…
Thực tế tốn bao nhiêu tiền?
– Nhiều lắm. Nói ra mệt lắm. Gần 500 chiếc lận.
Gồm những chiếc xe gì?
– Làm sao nhớ được! Nhiều quá mà…
Ông yêu, thích chiếc nào nhất không?
– Không, Qua không yêu cái gì hết. Mua thì mua vậy thôi chứ thậm chí Qua có ngó ngàng gì đâu. 10 năm qua bỏ đó, không ngó ngàng.
Ông mua nhiều xe như vậy để làm gì?
– Sau này sẽ đấu giá, giúp cho thanh niên khởi nghiệp. Những cái gì của Qua sau này nó sẽ có giá khác đi.
Để đấu giá, vậy có phải để kinh doanh không, thưa ông?
– Không, kinh doanh gì đâu! Đối với Qua tiền bạc thiếu gì, tới đây còn nhiều nữa. Kế hoạch của Qua là phải tối thiểu lấy về 1.000 tỉ đô la cho Việt Nam. 1.000 tỉ đô la, mỗi năm!
Trong một thế giới bất toàn, xung đột và khó khăn mà ông nói có thể mang về 1.000 tỉ đô la, có hoang tưởng không?
– Thì phải có cái gì Qua mới nói vậy chứ. 1.000 tỉ đô la/210 quốc gia. Mỗi quốc gia qua kiếm 5 tỉ đô la. Vậy 1.000 tỉ là tối thiểu rồi, có gì đâu mà khó!
Lâu nay ông có đi nhiều không?
– Không, lâu rồi, từ năm 2013. Qua ngồi một chỗ ở đây nhưng Qua biết hết. Cái kinh ngạc là ở chỗ đó. Cái gì Qua cũng biết hết, các người anh chị em cần gì thì cứ hỏi.
Thân xác của Qua giờ đây đừng nhìn như vậy nghe, không phải như người anh chị em đang nhìn thấy. Sau này sẽ thấy những điều kỳ diệu mà không bao giờ tưởng tượng được trong cõi người phàm. Còn bây giờ chưa phải lúc để các người anh em phải thấy, mà Qua cũng chưa muốn. Bây giờ cứ nhập thế đóng vai này, vai khác, vô cõi giới nào cũng được, chỗ nào qua cũng đi hết.
Bây giờ xuống dưới đó (TP.HCM – tác giả) hay ra Hà Nội, chỗ nào Qua cũng lê la được, ăn xin, vé số, bán báo dạo… chỗ nào Qua cũng ghé chơi, cho họ ít tiền. Mấy người đó thích Qua lắm.
Lên SaPa, Qua ở luôn một tuần trên núi. Đĩ điếm, ăn trộm, ăn cắp, xì ke hút xách gì Qua cũng thâm nhập hết. Suốt một quá trình Qua đi như vậy, đâu có ai biết.
Từ đây (M’Drak- tác giả), 2-3h sáng Qua lấy xe ra và 8-9 giờ sáng tới Sài Gòn. Hồi đó đi miết, tự lái nên mấy anh em ở các chốt cảnh sát quen luôn, bởi mình chạy nhanh, họ chặn lại.
Có vẻ ông tìm thấy niềm vui khi lái xe hoặc ông mê tốc độ?
– Không phải là lái xe thư giãn, mà chính là cảnh vật bên ngoài nó thay đổi liên tục, liên tục. Mình nhìn thấy sự thay đổi.
Biết quá nhiều thì rất mệt. Biết quá nhiều mà không giúp được thì càng mệt. Biết những số phận khổ đau đang diễn ra mà mình không làm gì được cũng rất mệt.
Qua không nói tâm linh, ngoại cảm hay thần phật linh tinh gì đâu. Qua đi qua tất cả những cảnh giới khủng khiếp. Qua không ngán ai, không ngán cái gì. Nhưng Qua cũng không có khiêu khích. Qua thiện lương, thiện lành.
Thưa ông, trong những bày tỏ của ông, ông thường nhắc tới “dân tộc dẫn dắt, dân tộc trung tâm”?
– Muốn siêu việt hóa một dân tộc, trước hết phải biết khảo sát hệ giá trị của nó. Có 5 yếu tố khảo sát một dân tộc tiến hoá hay không tiến hoá, hiểu được nó tiến bộ hay nó thoái bộ.
Một là khảo sát chí hướng. Chí hướng dân tộc này ở đâu? Khát vọng ở đâu? Ở cấp độ nào hay chỉ là ý muốn? Hiện nay, khát vọng đó chỉ ở mức là ý muốn chứ không trở thành chí hướng thật sự. Phải khảo sát chí hướng để biết một dân tộc đang đang ở đâu.
Thứ hai là khảo sát sự học, cái biết của nó. Dân tộc đó đang gối đầu giường lý thuyết nào, học thuyết nào, sách vở nào đang ngự trị trong xã hội đó? Trình độ xuyên suốt của dân tộc của các người anh em từ xưa đến nay là du nhập thôi. Cho nên Qua nhận định là: cái học, cái biết của của dân tộc của các người anh em lâu nay là ở ngoại biên và ngoại vi, du nhập nhiều học thuyết, lý thuyết nhưng không biết chọn lọc. Cái học, cái biết khi nhìn biện chứng đa chiều đa diện, nhìn thế giới một cách toàn diện, toàn cầu, toàn quán rồi sau đó mới định ra mình làm cái gì trong thế giới này. Nhìn sách lược đó thì biết nó tiến đến đâu, đi đến đâu và bao nhiêu năm rồi lượng hoá, tính toán nó.
Thứ ba là khảo sát động cơ, động lực. Có cao cả, cao thượng không hay chỉ vì cái tôi nhỏ bé?
Thứ tư là khảo sát mô hình phát triển, mô hình tổ chức thực thi của nó.
Khảo sát thứ năm quan trọng nhất. Đó là phẩm hạnh, phẩm tính và năng lực thực thi của nó. Khảo sát cái đó có thể đánh giá được toàn bộ thế gian này luôn.
Chính khi nhìn thấy được, thấu hiểu nhân loại mới thiết kế một xã hội tốt đẹp được cho dân tộc mình và cho nhân loại. Còn nếu không hiểu thì không làm được.
Nhưng mà nó xung động. Bởi vì tư duy nhân loại hiện nay là tư duy theo biện chứng đơn giản.
Nếu nhìn toàn diện quốc gia, dân tộc như một thể thống nhất thì mình sẽ thấy hoàn toàn khác. Còn không thì bị đứt đoạn trong sự hiểu biết giới hạn của từng quốc gia. Nếu hiểu biết toàn diện, hiểu được quy luật thì đi không bao giờ xung động, sẽ đi đúng với thiên ý.
Cách đây hơn 3 năm, chúng tôi cũng ngồi ở đây, ông cũng đặt ra mục tiêu trong 20 năm là ông sẽ giúp dân tộc Việt Nam lên ngôi. Đã 3 năm qua, có chuyển động gì chưa, thưa ông?
– Qua hay lái chiếc xe dán chữ UN là muốn chuyển thông điệp: phải biết sử dụng Liên Hiệp quốc, phải biết giương ngọn cờ để hội tụ được lòng người và cái lực của thiên hạ. Lá cờ đó phải thoả mãn mấy yếu tố: một, khoa học phải mang tính thế giới; hai, chính trị phải mang tính thế giới; ba, kinh tài phải mang tính thế giới; bốn, nghệ thuật phải mang tính thế giới.
9-10 năm nay Qua chỉ ngồi trong cái hang này để chuẩn bị cho dân tộc của các người anh em. Rảnh thì ra ngoài chơi với mấy con ngựa, lúc 3-4 giờ sáng. Bây giờ là đã xong. Qua sẽ chuyển cho những người anh em giới chính trị tinh hoa. Và Qua cũng nói luôn, Qua không phải giống như các người anh em đang thấy. Có những thứ siêu phàm mà các người anh em không bao giờ tưởng tượng nổi.
Ông nói ông “không giống như những gì chúng tôi thấy”. Vậy ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người như thế nào?
– Tùy người nhìn thôi. Người anh em không tưởng tượng nổi đâu, từng sát na Qua phải chịu đau đớn, Qua phải là người thật sự kỷ luật, thật sự thiện tâm thiện lành mới vượt qua được. Còn không thì Qua điên loạn rồi. Rất khủng khiếp!
Các người anh em sống trong thế giới ba chiều. Cảm xúc, cảm giác của người anh em chỉ trong ngũ quan trần tục này thôi. Cao lắm thì có người có giác quan thứ 6. Còn tạo hóa đưa Qua vào cực đa chiều, trong vũ trụ đa chiều, đa cực của người, hỗn loạn trong cái ma trận như vậy. Nếu cái tâm không thật thì sẽ điên loạn, thần kinh không chịu nổi đâu!
Ông có nghĩ là tất cả những điều ông được “chỉ dạy” sẽ không bao giờ là sự thật không?
– Không, không. Không có chuyện đó. Bởi vì Trời muốn thì mọi thứ phải diễn ra. Ai nghe thì tốt cho họ trong cuộc sống hiện hữu và sau này. Còn ai không nghe là tan nát hết. Nhớ điều Qua nói nghe, vì Qua biết số phận của từng anh em một. Tuân thủ đi, nghe sớm chừng nào hay chừng đó.
Không có cái gì, không hình phạt nào trên thế gian này mà Qua chưa trải qua. Thượng đế thử Qua bầm giập như vậy đó. Các người anh em phải xác tín những gì Qua nói. Qua thương thì Qua nói, không thì Qua im lặng. Những người anh chị em qua thương thì Qua nhắc “cố gắng làm cái này để điều chỉnh lại”.
Xin cảm ơn ông!