1. Nữ giới có bắt buộc đi nghĩa vụ quân sự không?
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân Việt Nam, được tham gia phục vụ trong quân đội nhân dân. Theo đó, nếu trong độ tuổi quy định, không phân biệt dân tộc, thành phố xã hội, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp…. công dân đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Theo đó, đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự được nêu tại Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự gồm:
1. Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.
2. Công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này đủ 18 tuổi trở lên.
Trong đó, khoản 2 Điều 7 Luật này quy định như sau:
Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân.
Đồng thời, khoản 2 Điều 6 Luật Nghĩa vụ quân sự cũng quy định:
Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.
Căn cứ các quy định trên, có thể thấy, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ bắt buộc với mọi công dân nam đáp ứng đủ điều kiện về tuổi đời, sức khỏe, trình độ văn hóa…
Riêng với công dân nữ thì nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu sẽ được phục vụ tại ngũ, nếu có trình độ chuyên môn phù hợp thì sẽ được phục vụ trong ngạch dự bị.
Như vậy, nghĩa vụ quân sự không phải nghĩa vụ bắt buộc với công dân nữ.
2. Nữ đi nghĩa vụ quân sự làm những gì?
Khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 nêu rõ:
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Như vậy, không phân biệt là công dân nam hay nữ, khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, người nhập ngũ phải phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của quân đội. Cụ thể:
2.1 Phục vụ tại ngũ
Phục vụ tại ngũ là thực hiện các công việc được giao trong quân đội, tùy vào vị trí, đơn vị được tiếp nhận.
Không chỉ vậy, với các hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật thì được ưu tiên làm tại các vị trí công tác phù hợp với nhu cầu của quân đội (theo khoản 1 Điều 23 Luật Nghĩa vụ quân sự).
Theo đó, căn cứ vào ngành, nghề chuyên môn, kỹ thuật của người nhập ngũ, sẽ sắp xếp hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao xuống thấp, ưu tiên ngành, nghề chuyên môn, kỹ thuật mà quân đội không đào tạo (căn cứ điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư số 220/2016/TT-BQP).
Tuy nhiên, trước khi sắp xếp vị trí việc làm thì các đối tượng này phải được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quân sự phù hợp với vị trí đảm nhiệm
Ngoài ra, ngoài thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể sắp xếp hạ sĩ quan, binh sĩ là những công việc như nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; khi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn hoặc nếu có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
2.2 Phục vụ trong ngạch dự bị
Với công dân nữ đi nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 14/2016/NĐ-CP quy định:
– Sắp xếp nữ binh sĩ dự bị có chuyên môn phù hợp với chức danh biên chế, nếu thiếu thì sắp xếp nữ binh sĩ dự bị có chuyên môn tương ứng.
– Nữ binh sĩ dự bị nhóm A (nhóm có độ tuổi đến hết 30 tuổi – Điều 26 Luật Nghĩa vụ quân sự) vào đơn vị bảo đảm chiến đấu trực thuộc quân chủng, binh chủng, đơn vị bộ đội địa phương.
Trong đó, các đơn vị sắp xếp nữ binh sĩ dự bị gồm:
– Đơn vị hậu cần, kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh TP. HCM, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Nhà trường.
– Đơn vị chuyên môn dự bị được xây dựng bởi Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh; cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh quân khu, quân đoàn, binh đoàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh TP. HCM, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh…
3. Khi nữ đi nghĩa vụ quân sự được hưởng chế độ gì?
Những quyền lợi công dân nữ tham gia nghĩa vụ quân sự được quy định cụ thể tại Nghị định 27/2016/NĐ-CP như sau:
3.1 Khi tại ngũ
– Được nghỉ phép năm: Áp dụng với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 13 trở đi. Thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi, về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường (khoản 1 Điều 3 Nghị định 27/2016/NĐ-CP).
– Thân nhân được hưởng chế độ: Hỗ trợ 500.000 đồng/thân nhân/lần nếu thân nhân bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên; con đẻ, con nuôi hợp pháp được miễn, giảm học phí…
– Nếu phục vụ tại ngũ đủ 30 tháng thì còn được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng…
Xem thêm…
3.2 Khi xuất ngũ
Khi chỉ nhận được hỗ trợ khi đang tại ngũ mà khi xuất ngũ, công dân nữ cũng như công dân nói chung tham gia nghĩa vụ quân sự được hưởng các chính sách sau đây:
– Được nhận trợ cấp khi xuất ngũ: Cứ mỗi năm xuất ngũ thì người tham gia nghĩa vụ quân sự được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ.
– Được hưởng thêm phụ cấp quân hàm: Nếu phục vụ tại ngũ đủ 30 tháng thì khi xuất ngũ còn được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng; nếu thời gian này là từ tháng 25 – dưới 30 tháng thì được trợ cấp 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
– Được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Với mức bằng 06 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ.
– Được tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ: Mức chi là 50.000 đồng/người, được tiễn và đưa về địa phương hoặc cấp tiền tàu, xe và phụ cấp đi đường từ đơn vị về địa phương…
Xem thêm…
Trên đây là giải đáp vấn đề nữ đi nghĩa vụ quân sự làm những gì? Nếu độc giả còn thắc mắc về các vấn đề bài viết chưa đề cập đến, có thể liên hệ 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ giải đáp.
>> Thông tin cần biết về nghĩa vụ quân sự mới nhất