Phạm Nhật Vượng có lẽ không còn là cái tên xa lạ đối với người Việt chúng ta, và đặc biệt đối với những doanh nhân, người khởi nghiệp và những bạn trẻ đang nuôi mộng khởi nghiệp, vị tỷ phú này lại càng là một cái tên truyền cảm hứng hơn bao giờ hết. Hãy cùng Aspiring Vietnam theo chân hành trình khởi nghiệp rực rỡ nhưng cũng nhiều gian nan của vị chủ tịch này nhé!
Tuổi thơ khó khăn
Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo có cha từng là sĩ quan phòng không miền Bắc còn mẹ mở quán trà đá vỉa hè. Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, hoàn cảnh gia đình ông vốn đã nghèo khó nay còn khó khăn hơn, nhiều lúc thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào quán trà đá của mẹ. Khi đó ước mơ duy nhất của ông chỉ là làm sao cho gia đình thoát khỏi cảnh nghèo.
Những năm 1980, nhờ vào mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước Đông Âu, đặc biệt là Liên Xô, Việt Nam đã gửi rất nhiều sinh viên ưu tú sang nước ngoài để học tập về kinh tế, tài chính và khoa học-kỹ thuật. Lúc bấy giờ du học Liên Xô thoát nghèo là niềm mơ ước của nhiều thanh niên Việt Nam, Phạm Nhật Vượng cũng nằm trong lớp thanh niên ưu tú đó, và được học bổng tại học viện địa chất Moscow, chuyên ngành kinh tế và địa chất năm 1987.
Bước đầu lập nghiệp
Ngay từ khi còn là sinh viên ở nơi đất khách quê người, Phạm Nhật Vượng đã bắt đầu những bước đầu tiên trên con đường khởi nghiệp từ năm 3 đại học. Ông thuê một phòng tại Dom 5, khu thương xá tập trung buôn bán của người Việt ở Nga lúc bấy giờ, để kinh doanh áo ấm. Thời gian đầu làm ăn cũng khá khẩm, cứ nghĩ tiếp tục có thể thành công, nhưng không ngờ thị trường thay đổi nên nhu cầu giảm. Lúc ấy còn là sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, không phản ứng kịp và đúng với thị trường nên Phạm Nhật Vượng càng bán lại càng lỗ, cuối cùng dẫn đến phá sản, đến khi rời Moscow xuống Kharkov vẫn còn nợ đến 40.000USD.
Thất bại là mẹ thành công
Sau cú ngã đau, ông vẫn quyết tâm ở lại nước ngoài để tận dụng cơ hội thời kỳ hậu Liên Xô. Ông cùng vợ di chuyển tới thành phố Kharkov ở Ukraine, và bắt đầu xây dựng một thương hiệu của riêng mình. Ông vay mượn từ bạn bè và người thân được 10.000 USD và cùng với kinh nghiệm từ quán trà đá ngày xưa của mẹ, ông mở một nhà hàng lấy tên Thăng Long tại nhà số 5, cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Quán ăn của ông nhanh chóng nổi tiếng và được lòng không chỉ với người dân mà còn với khách du lịch đến Kharkov nhờ vào chất lượng đồ ăn và giá cả phải chăng.
Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy những kệ hàng trong siêu thị Kharkov trống không và người dân phải mua thức ăn bằng tem phiếu do khủng hoảng tài chính những năm 1990, ông trở lại Việt Nam và mua một dây chuyền mì ăn liền. Sau đó ông đem trở về Ukraine và bắt đầu sản xuất mì ăn liền hiệu Miniva để bán cho người bản địa. Để có vốn kinh doanh, ông tiếp tục vay mạo hiểm từ bạn bè 10.000 USD với lãi suất 8% mỗi tháng, sau đó mở rộng sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác như bột khoai tây, súp,… Sản phẩm mì ăn liền của ông ra đời rất đúng thời điểm nên đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở Ukraine, và chỉ sau một năm doanh số cán mốc 1 triệu gói mì.
Đến năm 2004, mức tiêu thụ mì Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này, và Mivina trở thành tên gọi chung cho tất cả đồ ăn nhanh ở đất nước này. Tiếp nối thành công ở Ukraine, Phạm Nhật Vượng đưa tên tuổi Miniva tới hơn 30 quốc gia khác như Ba Lan, Đức,… Ngoài sản phẩm đầu tay mì ăn liền, ông phát triển thêm sản phẩm khác như khoai tây nghiền, thành lập các nhà máy chuyên sản xuất gia vị, chuyên đóng gói, là các công ty con của tập đoàn Technocom.
Trở về nước và đứa con Vingroup
Sau khi kiếm được nhiều tiền từ mì ăn liền ở Ukraine, ông quyết định chuyển tiền về nước để đầu tư vào các dự án với mong muốn nắm bắt cơ hội nền kinh tế đang phát triển ở quê hương.
Cuối những năm 1990, ông đã có chuyến đi đến thành phố biển Nha Trang và nhận thấy tiềm năng phát triển ở Nha Trang nói riêng lẫn Việt Nam lúc bấy giờ nói chung, ông quyết định xây dựng Vinpearl Nha Trang vào năm 2000. Một năm sau ông tiếp tục khai trương Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu – tổ hợp thương mại lớn đầu tiên ở Hà Nội.
Đến năm 2009, ông quyết định bán công ty ở Ukraine để tập trung toàn lực về trong nước. Năm 2010, ông Vượng bán Technocom cho tập đoàn Nestle của Thụy Sỹ và lúc ông rời đi, Technocom vẫn là một tên tuổi lớn trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh của Ukraine, với 7 năm liền dẫn đầu về thị phần. Năm 2011, 2 công ty cổ phần Vinpearl và công ty cổ phần Vincom được sáp nhập lại và đến tháng 2 năm 2012, cổ phiếu Vingroup được phát hành cho mục đích sáp nhập được. Từ hai dự án đầu tiên mang tính cột mốc là Vinpearl Nha Trang và Vincom Bà Triệu, Vingroup đã lớn mạnh với tốc độ vượt bậc trong suốt nhiều năm đầu thế kỷ 21.
Thành công chóng mặt trong lĩnh vực bất động sản đã tạo đà giúp Vingroup mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo nên hệ sinh thái họ “Vin” gồm Trung tâm thương mại Vincom, Bệnh viện VinMec, trường học VinSchool-VinUni, siêu thị Vinmart (hiện đã bán cho Masan), điện thoại Vsmart,…
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là từ khi Vingroup được thành lập, mọi việc đều thuận buồm xuôi gió đối với ông Vượng và “đứa con” của mình. Vingroup còn có thể mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn nữa, đặc biệt là lĩnh vực tài chính với cái tên Tập đoàn Tài chính Vincom, với định hướng phát triển các mảng chứng khoán, bảo hiểm và ngân hàng. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời của Tập đoàn Tài chính Vincom, nhưng bất ngờ giai đoạn 2007-2008 Việt Nam lại chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ, trong khi trước đó ở năm 2006 thì thị trường tài chính bùng nổ và chứng khoán phát triển cực mạnh. Điều đó làm ông Vượng quyết định ngừng dự án, và chấp nhận mức đền bù lên tới 1 năm lương cho tất cả nhân sự dù chưa đi vào hoạt động ngày nào.
Vượt qua tất cả những khó khăn, thua lỗ, năm 2013, Phạm Nhật Vượng trở thành người Việt Nam đầu tiên được tạp chí Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng tỷ phú USD của thế giới với tổng tài sản 1,5 tỷ USD, và thứ hạng của ông luôn tăng đều theo các năm.
Đánh giá
Sự thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngoài trừ sự kiên trì, nỗ lực mà còn nhờ vào khả năng nắm bắt thị trường, và khả năng đó lại nhờ vào lần thất bại đầu đời khi mà ông thua vì không nắm bắt kịp thị trường. Chính ông cũng thừa nhận vì “ăn đòn” nhiều nên ông đã nhạy hơn với thị trường. Điều đó chứng minh rằng thất bại chỉ là một bài học, là điểm bắt đầu cho một hành trình thành công ở phía trước. Hơn nữa, ông cho rằng điều quan trọng nhất khi lập nghiệp là phải có máu liều, có đam mê và hoàn toàn nghiêm túc với những thứ mình theo đuổi. Đối với ông, mỗi lần mở rộng sang lĩnh vực mới luôn là một lần khởi nghiệp mới của Vingroup, nên tinh thần của tập đoàn luôn là “Vingroup – mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Điều đó càng khẳng định ý chí, tinh thần đổi mới và cầu tiến rất đáng để noi theo.
Lời kết
Dẫu thất bại là điều không thể tránh khỏi trên những chặng đầu của hành trình, nhưng cuối cùng Phạm Nhật Vượng đã thật sự tạo nên dấu ấn cho nền kinh tế Việt Nam, và xây dựng thành công một đế chế với mong muốn vươn tầm phát triển cho người Việt. Từ một sinh viên nghèo, bằng sự nỗ lực, kiên quyết và đam mê với kinh doanh, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chứng minh rằng, cho dù sinh ra không ở vạch đích, ta vẫn có thể thành công và đến được vạch đích của riêng mình. Mong rằng những sơ lược về vị doanh nhân thành đạt này phần nào giúp truyền lửa và tinh thần khởi nghiệp đến bạn, cũng như là lời động viên bạn có thêm nghị lực nếu bạn đang gặp phải khó khăn trên con đường thực hiện ước mơ. Hãy theo dõi Aspiring Vietnam để đón chờ những bài viết bổ ích sắp tới nhé!
Nguồn: Tổng hợp