Thương phiếu là giấy nhận nợ khi phát sinh hoạt động mua chịu, bán chịu giữa các doanh nghiệp với nhau. Tùy thuộc vào bên phát hành thương phiếu là người mua chịu hay người bán chịu mà thương phiếu đó gọi là hối phiếu thương mại (giấy đòi nợ) hoặc lệnh phiếu (giấy nhận nợ).
1. Thương phiếu là gì?
Khái niệm thương phiếu (Commercial paper) là giấy nhận nợ do các công ty có uy tín phát hành nhằm mục đích vay vốn ngắn hạn từ thị trường tài chính. Thương phiếu được phát hành theo hình thức chiết khấu, tức là nhà đầu tư sẽ mua với giá thấp hơn mệnh giá và thu lợi nhuận từ khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá chiết khấu.
Những thương phiếu nguyên thuỷ (commercial bill) chỉ xuất hiện trong các hoạt động mua chịu và bán chịu hàng giữa các công ty với nhau. Thương phiếu có thể do người bán chịu hay người mua chịu phát hành.
Xét về bản chất, thương phiếu vẫn là giấy xác nhận quyền đòi tiền khi đến hạn của người sở hữu thương phiếu. Ngày nay, thương phiếu còn được phát hành để vay vốn trên thị trường tiền tệ.
Thương phiếu phát sinh trong hoạt động mua bán chịu giữa các công ty
Các công ty có uy tín khi có nhu cầu vốn có thể phát hành thương phiếu và bán với giá chiết khấu. Nhà đầu tư mua thương phiếu có thể là các ngân hàng hoặc trung gian tài chính hay các công ty khác. Đầu tư thương phiếu có mức độ rủi ro cao hơn so với tín phiếu kho bạc nhưng lãi suất chiết khấu hấp dẫn hơn.
2. Phân loại thương phiếu
Thương phiếu được phân thành các loại khác nhau, tùy theo tiêu chí.
Căn cứ vào nhà phát hành có thể chia thành 2 loại thương phiếu:
– Hối phiếu: là chứng chỉ có giá do người ký phát lập ra nhằm yêu cầu người bị ký phát thanh toán một số tiền xác định cho người thụ hưởng khi có yêu cầu hoặc vào một thời gian nhất định trong tương lai.
– Lệnh phiếu: là chứng chỉ có giá do người phát hành lập, cam kết thanh toán không điều kiện cho người thụ hưởng một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai.
Xét theo hình thức chuyển nhượng chia thành 3 loại:
– Thương phiếu vô danh: Trên thương phiếu không ghi tên người thụ hưởng.
– Thương phiếu đích danh: Bắt buộc ghi tên người thụ hưởng lên thương phiếu.
– Thương phiếu ký danh: Trên thương phiếu có ghi tên người thụ hưởng và có quyền chuyển nhượng, mua bán.
Có nhiều loại thương phiếu khác nhau tùy theo tiêu chí phân loại
3. Đặc điểm của thương phiếu
Về chủ thể phát hành thương phiếu, người phát hành (tức bên ký phát) phải là doanh nghiệp (có thể doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh…), không bao gồm các tổ chức tín dụng.
Thời hạn thanh toán của thương phiếu sẽ do người thụ hưởng và người ký phát xác định có thể là ngay khi xuất trình hoặc sau một thời gian nhất định kể từ ngày hối phiếu được chấp nhận hoặc kể từ ngày ký phát hành hay 1 thời điểm. Nếu ngày thanh toán trùng với ngày cuối tuần thì được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.
Các hoạt động liên quan đến thương phiếu như phát hành, chuyển nhượng, thanh toán, bảo lãnh, truy đòi, khởi kiện, cầm cố tại Việt Nam được điều chỉnh trong phạm vi của Pháp lệnh thương phiếu.
Thương phiếu thường phát hành thấp hơn mệnh giá
Về hình thức phát hành, thương phiếu phải được phát hành theo hình thức chiết khấu, tức là thấp hơn so với mệnh giá.
Khoản chênh lệch giữa giá mua và mệnh giá là lợi nhuận nhà đầu tư nhận được.
Thương phiếu ở Việt Nam phải được lập bằng tiếng Việt, theo mẫu in sẵn của Ngân hàng Nhà nước.
4. Ưu và nhược điểm của thương phiếu
Ưu điểm của thương phiếu
Do có tính chất lưu thông, thương phiếu là công cụ lưu thông tín dụng thay thế cho tiền mặt, góp phần ổn định tiền tệ.
Thương phiếu là cơ sở pháp lý trong quan hệ mua bán chịu, đảm bảo quyền lợi của các bên trong tín dụng thương mại.
Thương phiếu là loại tài sản đảm bảo chắc chắn và có tính thanh khoản cao, nhà đầu tư có thể cầm cố vay vốn tại ngân hàng, ngân hàng cũng có thể mang đi tái chiết khấu, tái cầm cố tại Ngân hàng Nhà nước để phục hồi nguồn vốn.
Trường hợp chủ thể vay vốn ngân hàng nhận nợ bằng lệnh phiếu thì ngân hàng có thể bán khoản nợ này (chuyển nhượng lệnh phiếu) cho một ngân hàng khác để thu nợ trước hạn.
Thương phiếu, sẽ giúp ngân hàng tăng thu nhập thông qua nghiệp vụ bảo lãnh và thu hộ nhưng không tăng rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
Thương phiếu là công cụ thay thế tiền mặt, góp phần ổn định tiền tệ
Nhược điểm của thương phiếu
Quan hệ mua bán chịu chỉ có thể phát sinh giữa những doanh nghiệp có uy tín và thường xuyên giao dịch với nhau.
Do tính trừu tượng của thương phiếu, nên có thể dẫn đến tình trạng 2 doanh nghiệp thông đồng với nhau lập ra thương phiếu (không thông qua mua bán) rồi đem chiết khấu, cầm cố tại ngân hàng.
Nếu nhu cầu mua chịu quá lớn hoặc thời gian quá dài sẽ khó có thể mở rộng quy mô thương phiếu.
5. Thương phiếu có phải chứng khoán không?
Thương phiếu là chứng khoán của thị trường tiền tệ
Câu trả lời là: Có
Theo luật Chứng khoán quy định: Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền lợi quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với phần vốn hoặc tài sản của tổ chức phát hành, được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, dữ liệu điện tử hoặc bút toán ghi sổ.
Chứng khoán bao gồm cổ phiếu, các loại trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền, quyền mua cổ phần, quyền chọn mua – chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán
Thương phiếu là một loại chứng khoán của thị trường tiền tệ, được phát hành bởi tập đoàn lớn hoặc công ty uy tín, để có nguồn vốn ngắn hạn đáp ứng các nghĩa vụ nợ. Thương phiếu chỉ được hỗ trợ bởi 1 ngân hàng phát hành hoặc 1 công ty cam kết thanh toán vào ngày đáo hạn
Hy vọng bài viết trên có thể giúp các bạn hiểu về các loại thương phiếu, ưu nhược điểm và các đặc điểm của công cụ này. Hãy theo dõi TOPI để biết thêm những kiến thức đầu tư tài chính hữu ích nhất nhé.